THÔNG TIN TUYỂN SINH NĂM 2025
(Hình thức đào tạo: Chính quy)
I. THÔNG TIN CHUNG
1. Tên cơ sở đào tạo: HỌC VIỆN CÔNG NGHỆ BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG
2. Mã cơ sở đào tạo trong tuyển sinh: BVH và BVS
3. Địa chỉ các trụ sở (trụ sở chính và cơ sở đào tạo):
TRỤ SỞ CHÍNH
122 Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, Tp. Hà Nội
CƠ SỞ ĐÀO TẠO PHÍA BẮC (BVH)
Km 10 Đường Nguyễn Trãi, Phường Mộ Lao, Quận Hà Đông, Tp. Hà Nội
CƠ SỞ ĐÀO TẠO PHÍA NAM (BVS)
Số 11 Nguyễn Đình Chiểu, Phường ĐaKao, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh
4. Địa chỉ trang thông tin điện tử:
Cổng thông tin điện tử: https://ptit.edu.vn
Cổng thông tin đào tạo: https://daotao.ptit.edu.vn
Cổng thông tin tuyển sinh: https://tuyensinh.ptit.edu.vn
Địa chỉ các trang mạng xã hội của cơ sở đào tạo (có thông tin tuyển sinh):
Trang fanpage tuyển sinh: https://facebook.com/ptittuyensinh
Trang fanpage Học viện: https://facebook.com/HocvienPTIT
Trang Zalo: Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (ID 1260203497642986925)
5. Số điện thoại liên hệ tuyển sinh:
CƠ SỞ ĐÀO TẠO PHÍA BẮC (BVH):
ĐT: (024) 33528122, (024) 33512252
CƠ SỞ ĐÀO TẠO PHÍA NAM (BVS)
ĐT: (028) 38297220; Fax: (028) 39105510
6. Địa chỉ công khai quy chế tuyển sinh, đề án tuyển sinh:
Cổng thông tin điện tử: https://ptit.edu.vn
Cổng thông tin tuyển sinh: https://tuyensinh.ptit.edu.vn
7. Địa chỉ công khai các thông tin về hoạt động của cơ sở đào tạo:
Cổng thông tin điện tử: https://ptit.edu.vn
Cổng thông tin tuyển sinh: https://tuyensinh.ptit.edu.vn
II. TUYỂN SINH ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC CHÍNH QUY
1. Đối tượng tuyển sinh
1.1 Quy định chung:
– Đối tượng dự tuyển được xác định tại thời điểm xét tuyển (trước khi công bố kết quả xét tuyển chính thức) là các thí sinh đã được công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) của Việt Nam hoặc có bằng tốt nghiệp của nước ngoài được công nhận trình độ tương đương hoặc đã có bằng tốt nghiệp trung cấp ngành nghề thuộc cùng nhóm ngành dự tuyển và đã hoàn thành đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa cấp THPT theo quy định của pháp luật;
– Có đủ sức khỏe để học tập theo quy định hiện hành;
– Đáp ứng các điều kiện khác theo quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của Học viện.
1.2. Đối với Phương thức 1 – Xét tuyển tài năng:
Ngoài các yêu cầu theo quy định chung ở mục 1.1 thì thí sinh cần có thêm một trong các điều kiện như sau:
(1) Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển: thí sinh đoạt giải Quốc gia, Quốc tế theo Quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của Học viện (có thông báo chi tiết riêng).
(2) Xét tuyển dựa vào hồ sơ năng lực (HSNL): thí sinh cần có thêm một trong các điều kiện sau đây:
a) Thí sinh tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế các môn Toán, Vật lí, Hóa học hoặc Tin học; Thí sinh trong đội tuyển quốc gia dự Cuộc thi khoa học, kỹ thuật quốc tế; thời gian tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia không quá 3 năm tính tới thời điểm xét tuyển;
b) Thí sinh đoạt giải Khuyến khích trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia hoặc đã tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia hoặc đoạt giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương (TW) các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Tin học (ĐKXT vào tất cả các ngành/chương trình) hoặc môn Tiếng Anh (ĐKXT vào các ngành/chương trình thuộc nhóm ngành Kinh doanh và Quản lý, nhóm ngành Báo chí và Truyền thông) hoặc môn Ngữ văn (ĐKXT vào ngành Báo chí hoặc ngành Truyền thông đa phương tiện) và có kết quả điểm trung bình chung học tập lớp 10, 11, 12 đạt từ 7,5 trở lên và có hạnh kiểm Khá trở lên;
c) Là học sinh chuyên của trường THPT chuyên trên phạm vi toàn quốc (các trường THPT chuyên thuộc Tỉnh, Thành phố trực thuộc TW và các trường THPT chuyên thuộc Cơ sở giáo dục đại học) hoặc hệ chuyên thuộc các trường THPT trọng điểm quốc gia các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Tin học (ĐKXT vào tất cả các ngành/ chương trình) hoặc môn Tiếng Anh (ĐKXT vào các ngành/ chương trình thuộc nhóm ngành Kinh doanh và Quản lý, nhóm ngành Báo chí và Truyền thông) hoặc môn Ngữ văn (ĐKXT vào ngành Báo chí hoặc ngành Truyền thông đa phương tiện); Và có kết quả điểm trung bình chung học tập lớp 10, 11, 12 đạt từ 7,5 trở lên và có hạnh kiểm Khá trở lên.
1.3. Đối với Phương thức 2 – Xét tuyển dựa vào kết quả Chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế (SAT/ACT):
Ngoài các yêu cầu theo quy định chung ở mục 1.1 thì thí sinh phải có Chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế SAT từ 1130/1600 trở lên hoặc ACT từ 25/36 trở lên, trong thời hạn 02 năm (tính đến ngày xét tuyển).
1.4. Đối với Phương thức 3 – Xét tuyển dựa vào kết quả bài thi đánh giá năng lực (ĐGNL) hoặc đánh giá tư duy (ĐGTD):
Ngoài các yêu cầu theo quy định chung ở mục 1.1 thì thí sinh cần có thêm một trong các điều kiện sau đây:
a) Thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực của Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh (APT) năm 2025 từ 600 điểm trở lên;
b) Thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (SPT) năm 2025 từ 15 điểm trở lên;
c) Thí sinh có điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội (TSA) năm 2025 từ 50 điểm trở lên.
d) Thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực của Đại học quốc gia Hà Nội (HSA) năm 2025 từ 75 điểm trở lên;
Lưu ý: Riêng đối với bài thi đánh giá năng lực của Đại học quốc gia Hà Nội thí sinh chọn:
• Phần 3 – Khoa học: Thí sinh bắt buộc chọn tổ hợp có 2 chủ đề Vật lí và Hóa học được ĐKXT vào tất cả các ngành/ chương trình.
• Phần 3 – Tiếng Anh: Thí sinh được ĐKXT vào các ngành/ chương trình thuộc nhóm ngành Kinh doanh và Quản lý, nhóm ngành Báo chí và Truyền thông.
1.5. Đối với Phương thức 4 – Xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ tiếng anh quốc tế (chứng chỉ IELTS,TOEFL) với kết quả học tập ở bậc THPT:
Ngoài các yêu cầu theo quy định chung ở mục 1.1 thì thí sinh cần có Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn (tính đến ngày xét tuyển) đạt IELTS 5.5 trở lên hoặc TOEFL iBT 65 trở lên hoặc TOEFL ITP 513 trở lên và có kết quả điểm trung bình chung học tập lớp 10, 11, 12 đạt từ 7,5 trở lên và có hạnh kiểm Khá trở lên.
Lưu ý: Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông không chấp nhận Chứng chỉ đánh giá năng lực tiếng Anh TOEFL iBT với Test Center theo hình thức Home Edition để sử dụng tham gia xét tuyển vào đại học chính quy
1.6. Đối với Phương thức 5 – Xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025:
Ngoài các yêu cầu theo quy định chung ở mục 1.1 thì thí sinh phải tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 với các bài thi/môn thi theo tổ hợp xét tuyển tương ứng các ngành của Học viện.
2. Mô tả các Phương thức tuyển sinh
Năm 2025, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sử dụng 05 phương thức tuyển sinh như sau:
2.1. Phương thức 1: Xét tuyển tài năng
Xét tuyển tài năng gồm có:
(1) Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển đối với các thí sinh đoạt giải Quốc gia, Quốc tế theo Quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của Học viện (có thông báo chi tiết riêng).
(2) Xét tuyển dựa vào hồ sơ năng lực (HSNL): Đối với các thí sinh có Thành tích đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT cấp quốc gia (giải Khuyến khích), cấp Tỉnh/Thành phố trực thuộc TW (Nhất, Nhì, Ba và Khuyến khích), thời gian đoạt giải không quá 3 năm tính tới thời điểm xét tuyển hoặc thí sinh tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, hoặc là học sinh tại các trường THPT chuyên hoặc hệ chuyên thuộc các trường THPT trọng điểm quốc gia (điều kiện cụ thể tại điểm 1.2 mục II.1 về Đối tượng tuyển sinh).
2.2. Phương thức 2: Xét tuyển dựa vào kết quả Chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế (Chứng chỉ SAT/ACT) (điều kiện cụ thể tại điểm 1.3 mục II.1 về Đối tượng, điều kiện dự tuyển).
2.3. Phương thức 3: Xét tuyển dựa vào kết quả trong các kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL), đánh giá tư duy (ĐGTD) của các đơn vị: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức (điều kiện cụ thể tại điểm 1.4 mục II.1 về Đối tượng tuyển sinh).
2.4. Phương thức 4: Xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (chứng chỉ IELTS, TOEFL) với kết quả học tập ở bậc THPT (điều kiện cụ thể tại điểm 1.5 mục II.1 về Đối tượng tuyển sinh).
2.5. Phương thức 5: Xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (điều kiện cụ thể tại điểm 1.6 mục II.1 về Đối tượng tuyển sinh).
3. Quy tắc quy đổi tương đương ngưỡng đầu vào và điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp, phương thức tuyển sinh
3.1. Ngưỡng đầu vào
– Đối với phương thức 5, Học viện công bố điểm ngưỡng đầu vào sau khi có kết quả quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
– Đối với các phương thức 1, 2, 3, 4 ngưỡng đầu vào là điều kiện đăng ký dự tuyển theo từng phương thức được quy định tại mục II.1 về Đối tượng tuyển sinh.
3.2. Quy tắc quy đổi tương đương ngưỡng đầu vào và điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp, phương thức tuyển sinh
Học viện công bố quy tắc quy đổi tương đương ngưỡng đầu vào và điểm trúng tuyển của các phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển theo hướng dẫn thống nhất của Bộ GD&ĐT. Thời gian công bố cùng thời gian công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào.
4. Chỉ tiêu tuyển sinh
Tổng chỉ tiêu dự kiến là 6.680, trong đó chỉ tiêu của 02 Cơ sở đào tạo cụ thể như sau:
a) CƠ SỞ ĐÀO TẠO PHÍA BẮC (Mã trường: BVH)
Địa chỉ: Km10 Đường Nguyễn Trãi, Quận Hà Đông, Hà Nội
b) CƠ SỞ ĐÀO TẠO PHÍA NAM (Mã trường: BVS)
Địa chỉ: Số 11 Nguyễn Đình Chiểu, phường Đakao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
5. Các thông tin cần thiết khác để thí sinh dự tuyển vào cơ sở đào tạo
a) Các điều kiện phụ sử dụng trong xét tuyển
Học viện không sử dụng tiêu chí phụ riêng để xét tuyển ngoài các quy định trong Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Quy chế tuyển sinh của Học viện.
b) Điểm cộng
Điểm cộng, điểm thưởng, điểm khuyến khích (gọi chung là điểm cộng) đối với thí sinh có thành tích đặc biệt sẽ không vượt quá 10% mức điểm tối đa của thang điểm xét tuyển, tương đương tối đa là 3 điểm đối với thang điểm 30.
c) Các thông tin khác: Chính sách học bổng
– Học bổng đặc biệt: năm 2025, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cấp tối đa 30 suất học bổng đặc biệt, giá trị mỗi suất học bổng tới 500 triệu đồng (gồm: học phí trong toàn thời gian học, chi phí ăn ở, kinh phí nghiên cứu khoa học, thực tập ở nước ngoài, kinh phí hỗ trợ từ doanh nghiệp đối tác và các hỗ trợ khác).
Đối tượng xét cấp học bổng đặc biệt là các thí sinh tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế, thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia các môn Toán, Vật lí và Tin học; thí sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT từ 29,0 điểm trở lên. Người được nhận học bổng đặc biệt phải đảm bảo điểm trung bình chung tích lũy năm học liên tục đạt từ loại Giỏi trở lên trong thời gian học tập.
– Học bổng toàn phần: năm 2025, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cấp tối đa 50 suất học bổng toàn phần với giá trị học bổng tới 250 triệu đồng (tương đương học phí toàn khóa học của chương trình chất lượng cao) cho các thí sinh đoạt giải Nhất trong kỳ thi học sinh giỏi cấp Tỉnh/Thành phố trực thuộc TW các môn Toán, Vật lí và Tin học. Người được nhận học bổng toàn phần phải đảm bảo điểm trung bình chung tích lũy năm học liên tục đạt từ loại Giỏi trở lên trong thời gian học tập.
– Học bổng miễn 100% học phí trong năm học thứ nhất với tối đa 100 suất cho đối tượng là các thí sinh đoạt trong kỳ thi học sinh giỏi quốc tế, quốc gia hoặc thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi học sinh giỏi cấp Tỉnh, Thành phố trực thuộc TW các môn Toán, Vật lí, Hóa học và Tin học hoặc đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025;
– Học bổng miễn 50% học phí trong năm học thứ nhất với tối đa 300 suất cho đối tượng là các thí sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi hoặc đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025;
– Ngoài ra, sinh viên còn có nhiều cơ hội để được nhận các xuất học bổng của các doanh nghiệp hàng đầu như Samsung (Hàn Quốc), Tập đoàn Điện lực Nhật Bản Yokogawa (Nhật Bản), TEMIX (Italy), Vietcombank, VP Bank, Agribank,….
Ghi chú: Thí sinh chỉ được xét và cấp một Loại học bổng trong chính sách học bổng nêu trên; xét cấp học bổng thực hiện xét từ trên xuống cho đến hết số suất học bổng.
6. Tổ chức tuyển sinh
– Hình thức ĐKXT: Trực tuyến theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
– Thời gian xét tuyển: Theo lịch xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
7. Chính sách ưu tiên
a) Học viện thực hiện tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và Thông báo của Học viện, không giới hạn số lượng chỉ tiêu (có Thông báo riêng);
b) Chính sách ưu tiên về đối tượng, khu vực theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Trong đó, Thí sinh chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp (thí sinh tốt nghiệp năm 2025 và năm 2024).
8. Lệ phí xét tuyển, thi tuyển
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của Học viện.
9. Việc cơ sở đào tạo thực hiện các cam kết đối với thí sinh
Học viện cam kết tư vấn, hỗ trợ và giải quyết khiếu nại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của thí sinh trong những trường hợp rủi ro theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.
10. Các nội dung khác
10.1. Học phí dự kiến với sinh viên chính quy:
– Học phí trình độ đại hệ chính quy chương trình đại trà năm học 2025-2026 dự kiến: trung bình từ khoảng 29,6 triệu đồng đến 37,6 triệu đồng/năm tùy theo từng ngành học;
– Học phí chương trình chất lượng cao trình độ đại học năm học 2025-2026: mức thu học phí trung bình từ khoảng 49,2 triệu đồng đến 55 triệu đồng/năm học tùy theo từng ngành/ chương trình học;
– Học phí chương trình Cử nhân Công nghệ thông tin (định hướng ứng dụng), Thiết kế và phát triển Game, Công nghệ thông tin Việt – Nhật, Trí tuệ nhân tạo năm học 2025-2026: mức thu học phí trung bình từ khoảng 40 triệu đến 45,5 triệu đồng/năm học tùy theo từng ngành/ chương trình học;
– Học phí chương trình liên kết quốc tế năm học 2025-2026: mức thu học phí trung bình từ khoảng 54 triệu đến 62,5 triệu đồng/năm tùy theo từng chương trình;.
10.2. Chương trình chất lượng cao:
Năm 2025, Học viện tuyển sinh 830 chỉ tiêu vào các chương trình chất lượng cao (chương trình chất lượng cao do Học viện tự xác định) với nội dung, chất lượng chương trình đào tạo có nhiều ưu việt, nhiều lợi thế đối với người học và với quy mô lớp nhỏ. Cụ thể gồm có các chương trình chất lượng cao: Công nghệ thông tin, Marketing, Kế toán (theo chuẩn quốc tế ACCA), An toàn thông tin và Truyền thông đa phương tiện.
10.3. Chương trình liên kết quốc tế
Học viện triển khai tuyển sinh các chương trình liên kết quốc tế: (1) Chương trình liên kết đào tạo ngành Công nghệ thông tin với Đại học La Trobe (Úc); (2) Chương trình liên kết đào tạo ngành Đa phương tiện với Đại học Canberra (Úc); (3) Chương trình liên kết đào tạo ngành Công nghệ tài chính với Đại học Huddersfield (Vương quốc Anh); (4) Dự kiến tuyển sinh Chương trình liên kết đào tạo ngành Truyền thông Đa phương tiện với Đại học Công nghệ Queensland (Úc); với nội dung chương trình đào tạo ưu việt, đồng thời có nhiều cơ hội việc làm và định cư ở nước ngoài sau tốt nghiệp (Thông tin chi tiết tại: https://cie.ptit.edu.vn, https://tuyensinh.ptit.edu.vn).
10.4. Phân loại và xếp lớp học tiếng Anh
Sau khi nhập học, Học viện sẽ tổ chức kỳ kiểm tra phân loại đầu vào tiếng Anh để tiến hành xếp lớp theo trình độ tiếng Anh cho sinh viên nhằm đảm bảo sinh viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo tiếng Anh sẽ đạt được chuẩn đầu ra tiếng Anh là TOEIC 450 điểm quốc tế (đối với hệ đại trà) và TOEFL iBT 70 điểm quốc tế (đối với các chương trình chất lượng cao).