Vừa qua, trong khuôn khổ sự kiện Vietnam Gameverse 2024 với chủ đề “Beyond the Game” diễn ra tại Nhà thi đấu Phú Thọ, Quận 11, thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) đã công bố Chương trình thiết kế và phát triển game trình độ đại học.
Theo thông tin được công bố, PTIT sẽ tuyển sinh cho chương trình này với 200 chỉ tiêu. Học viện hướng tới đào tạo đội ngũ nhân lực làm game chuyên nghiệp, sở hữu khả năng thiết kế kịch bản và phát triển các Game ở quy mô đa dạng.
Chương trình có 10 năm ấp ủ với nhiều chuẩn bị công phu
Về vấn đề này, Tiến sĩ Cao Minh Thắng – Phó Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông (CDIT) cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Chương trình Thiết kế và phát triển game mà Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sẽ tuyển sinh và đào tạo trong năm nay là chương trình đầu tiên được mở ra trong khối các trường đại học công lập ở Việt Nam.
Theo Tiến sĩ Thắng, để chương trình này được chính thức thực hiện việc tuyển sinh như hiện nay thì ông và cộng sự của mình tại Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông CDIT (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông) đã có hơn 10 năm nung nấu ý tưởng và trải qua quá trình chuẩn bị rất công phu.
Được biết, trước đó, từ năm 2010, nhà trường đã có những môn học tiếp cận với chuyên ngành game như: Thiết kế kịch bản game, Lập trình game… trong ngành Công nghệ đa phương tiện, với nhiều thế hệ sinh viên ra trường làm việc trong ngành game. Đây chính là tiền đề cho việc xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu về game của Học viện.
Chương trình thiết kế và phát triển game được xây dựng bài bản theo chuẩn quốc tế CDIO, dựa trên khảo sát kỹ lưỡng các yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, đồng thời tham khảo chương trình đào tạo từ các trường đại học hàng đầu đào tạo về game trên thế giới như New York University, University of Southern California hay Digipen Institute of Technology.
Tại chương trình, sinh viên được trang bị các kiến thức chuyên sâu về thiết kế, phát triển game cùng các kiến thức liên ngành như toán học, văn hoá, tâm lý, kinh tế, pháp luật và marketing; sinh viên tốt nghiệp có thể xây dựng các game không chỉ hấp dẫn người chơi mục tiêu, có khả năng tạo ra doanh thu mà còn đảm bảo tính lành mạnh và đặc biệt là tuân thủ pháp luật.
Đặc biệt, người học còn có thể sáng tạo các ứng dụng của game trong các lĩnh vực khác như đào tạo, thương mại, truyền thông,… góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội quốc gia cũng như quảng bá văn hoá Việt Nam ra cộng đồng quốc tế.
Trong suốt 15 năm phát triển ngành đào tạo Công nghệ Đa phương tiện, Học viện đã xây dựng được một đội ngũ nhân sự cơ hữu giàu kinh nghiệm cùng các giảng viên trẻ được đào tạo bài bản về thiết kế và phát triển game tại các trường đại học có uy tín trên thế giới. Tuy vậy, để tăng cường tính thực tiễn, áp lực với chúng tôi là luôn phải kết hợp chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp trong nền công nghiệp game để mời được các chuyên gia hàng đầu tham gia giảng dạy.
Trong toàn khoá học, sinh viên sẽ được tiếp xúc với các chuyên gia qua các hội thảo, các giờ giảng chuyên đề và đặc biệt là các học phần dự án, nơi các thầy và các chuyên gia sẽ giảng dạy, huấn luyện cũng như tư vấn để các em có thể hoàn thành được các sản phẩm game hoàn chỉnh và tiếp cận với thị trường ngay từ khi còn trên ghế nhà trường. Các dự án có triển vọng sẽ được chính các chuyên gia và doanh nghiệp đối tác của nhà trường tiếp nhận để hỗ trợ phát triển.
Thông qua mối hợp tác chặt chẽ này, chương trình đào tạo Thiết kế và Phát triển game đã và đang nhận được nhiều sự hỗ trợ về chuyên gia cơ sở vật chất, trang thiết bị thí nghiệm thực hành từ các tổ chức cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước như VNG, VTC Games, Hiệp hội Phát triển game,….
Kỳ vọng về giá trị đột phá cho thị trường game Việt Nam
Ngoài ra, trong sự kiện Vietnam Gameverse 2024, Tiến sĩ Thắng cũng đã trình bày tham luận với chủ đề “Đào tạo nhân lực trình độ cao cho công nghiệp Game Việt Nam”.
Tham luận chia sẻ sâu hơn về các nội dung liên quan nhu cầu, việc đào tạo nhân lực ngành Game ở Việt Nam, về Chương trình đào tạo thiết kế và phát triển game của PTIT, với những tín hiệu tích cực cho công tác đào tạo, quản lý nguồn nhân lực để sản xuất và phát hành trò chơi điện tử Việt Nam.
Đáng chú ý, ngay tại sự kiện, PTIT ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) với các Công ty/ Studio Game nổi bật như: VTC Games, Hiker Games, TopeBox, GameGeek, Negaxy Group…. mở ra một hướng đi mới trong chiến lược phát triển của cả PTIT và các doanh nghiệp đối tác.
Thông qua hợp tác với các doanh nghiệp, PTIT mang lại cho các sinh viên chuyên ngành về game cơ hội học tập, thực chiến tại các đơn vị, doanh nghiệp có tiếng trong ngành game. Hoạt động này cho thấy quyết tâm của PTIT là trường đại học tiên phong kiến tạo tương lai cho người học, đồng thời góp phần nâng cao vị thế ngành công nghiệp game Việt Nam.
Theo chia sẻ của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hoài Bắc – Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, mạng lưới các đối tác của Học viện trong đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực ngành game sẽ tiếp tục được mở rộng thêm các đối tác quốc tế để sẵn sàng cung ứng nguồn nhân lực game và sản phẩm game cho thị trường quốc tế.
Với nội lực sẵn có và tham vọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Game Việt Nam trong tương lai, hợp tác chiến lược giữa PTIT và các công ty/studio game hy vọng sẽ tạo ra nhiều giá trị đột phá cho thị trường game Việt Nam.
Bên lề các sự kiện quan trọng của Gameverse 2024, PTIT cũng có gian giới thiệu sản phẩm game – điểm đến cho các khách mời tham quan, trao đổi, tìm hiểu sâu hơn các thông tin về chương trình Thiết kế và Phát triển game của PTIT; khám phá các trò chơi giáo dục trên kính VR, mô phỏng đào tạo Y tế với mô hình SimVN, khám phá sản phẩm Dreamzone- hỗ trợ trẻ em khuyết tật của CDiT – sản phẩm lọt vào top 15 của Gamehub – Chương trình tìm kiếm và đầu tư các dự án, sản phẩm game tiềm năng.
Kỳ vọng sự góp mặt của PTIT sẽ góp phần làm nên sự thành công của Gameverse 2024 và đóng góp vào việc phát triển cộng đồng, ngành công nghiệp Game Việt Nam trong thời gian tới.