Vân Anh
Qua thúc đẩy các chương trình thực tập và trao đổi sinh viên quốc tế, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông – PTIT muốn nâng cao năng lực toàn cầu cho nguồn nhân lực số, giúp sinh viên sớm sẵn sàng gia nhập thị trường lao động quốc tế.
Vươn ra thế giới từ “bệ phóng” PTIT
Cộng đồng cựu sinh viên của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông – PTIT hiện đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… để theo đuổi những bậc học cao hơn hoặc lập nghiệp tại nước bạn. Nhiều cựu sinh viên đã trở về Việt Nam, quay lại Học viện tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp khoa học nước nhà.
Cựu sinh viên Đặng Hoàng Long, khóa D14 ngành CNTT vừa hoàn thành khóa đào tạo Tiến sĩ ngành Khoa học máy tính tại Viện Ứng dụng trí tuệ nhân tạo thuộc Đại học Deakin (Australia). Chia sẻ về quá trình học của bản thân, từ chương trình liên kết, hợp tác giữa Học viện và Đại học Deakin, Đặng Hoàng Long cho biết: “Cùng với những định hướng của các thầy cô Học viện, từ một cậu sinh viên rụt rè, hướng nội, mình mạnh dạn ‘bước ra thế giới’, thoát khỏi ‘vùng an toàn’ của bản thân để chinh phục kho tri thức của thế giới”.
Trở lại Học viện, Đặng Hoàng Long mong muốn được góp sức cùng các thầy cô nhà trường tiếp tục truyền cảm hứng và là cầu nối hỗ trợ các sinh viên khối ngành kỹ thuật của Học viện tiếp cận thông tin và dành được nhiều học bổng từ các nước trên thế giới nói chung và Australia nói riêng.
Cựu sinh viên Học viện Nguyễn Thắng Hải An, kỹ sư ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện – Điện tử, người đã giành được học bổng Erasmus tại Italia chia sẻ, lo lắng lớn nhất trong quãng thời gian 6 tháng học tập tại Đại học Palermo là vượt qua rào cản về ngôn ngữ.
Ngoài việc sử dụng tiếng Anh chuyên ngành kỹ thuật trong học tập, Nguyễn Thắng Hải An cũng phải nắm cơ bản tiếng Italia để có thể giao tiếp trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày với cộng đồng địa phương. Thực tế, qua trải nghiệm tại môi trường quốc tế, cựu sinh viên này cho biết, rào cản ngôn ngữ không hề khó khăn như suy nghĩ trước đó.
Với những bài học quý báu và sự trải nghiệm độc đáo từ quá trình học tập tại Italia, Nguyễn Thắng Hải An đã có định hướng rõ ràng, mở ra rất nhiều cơ hội cho tương lai sự nghiệp của bản thân. Thời điểm hiện tại, Nguyễn Thắng Hải An đang chung tay khởi nghiệp với một nhóm đồng nghiệp, tập trung vào phát triển các dịch vụ công nghệ phần mềm và IoT tại Hà Nội.
Nhận được cơ hội sang Australia tham gia cuộc thi Code Fest của Đại học Sydney Úc vào tháng 6/2024, ba thành viên nhóm ALDA AI, đội thi vừa giành giải Nhất cuộc thi “Ý tưởng sản phẩm sáng tạo P-Innovation 2024” với sản phẩm “Digital Human” rất bất ngờ. Sinh viên Trần Đức Quân, thành viên đội ALDA AI chia sẻ: “Chúng tôi được nhân đôi niềm vui, không chỉ chiến thắng ở một cuộc thi công nghệ có tính cạnh tranh cao của trường mà còn có cơ hội thử sức ở môi trường quốc tế, được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của bạn bè quốc tế. Đây sẽ là một trải nghiệm vô cùng quý giá mà không phải sinh viên nào cũng có được!”.
Mở ra cơ hội học tập, làm việc xuyên biên giới
Theo thống kê, trong năm 2023, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã có gần 50 sinh viên, học viên tham gia các hoạt động trao đổi sinh viên, thực tập sinh, tham gia các cuộc thi tại nước ngoài. Từ đầu năm 2024 đến nay, Học viện đã cử 10 sinh viên đi tham gia cuộc thi Hackathon tại Hàn Quốc. Ngoài 3 sinh viên sắp sang Australia tham gia cuộc thi Code Fest, Học viện cũng đang mở thông báo ứng tuyển 2 suất thực tập tại Italia, 1 suất thực tập sinh tại Australia.
Bên cạnh đó, nhà trường đang có nhóm 10 sinh viên Đại học Chung Ang (Hàn Quốc) sang tham dự cuộc thi Hackathon 2024 diễn ra trong tháng 5 này, 6 sinh viên Pháp sang thực tập trong 3 tháng. Ngoài ra, theo kế hoạch vào tháng 8, sẽ có 10 sinh viên Đại học Gunma sang thực tập 3 tháng tại Học viện.
Đại diện lãnh đạo Học viện cho biết, hiện thực hóa chiến lược phát triển đào tạo quốc tế giai đoạn đến năm 2025 và tầm nhìn tới 2030, cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ TT&TT này đã và đang triển khai nhiều hoạt động. Cụ thể như, tăng cường các chương trình liên kết đào tạo quốc tế, mở mới các chương trình đào tạo chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh, xúc tiến các chương trình hợp tác quốc tế trao đổi giảng viên và sinh viên…
Học viện hiện đã có 5 chương trình liên kết quốc tế trình độ đại học, 1 chương trình thạc sỹ đào tạo bằng tiếng Anh dành cho sinh viên quốc tế, 3 chương trình chất lượng cao bằng tiếng Anh và 1 chương trình đào tạo định hướng thị trường quốc tế (thị trường Nhật Bản).
Song song đó, những năm gần đây, Học viện đẩy mạnh triển khai các chương trình thực tập, trao đổi sinh viên quốc tế. Cụ thể, sinh viên Học viện có cơ hội tham gia vào những dự án thực tế của doanh nghiệp tại nước ngoài cùng chuyên gia và sinh viên từ nhiều quốc gia khác nhau; Qua đó, sinh viên có thể phát triển kỹ năng liên văn hóa, tư duy phân tích và phản biện, năng lực lãnh đạo và tác phong làm việc chuyên nghiệp.
Theo kế hoạch, trong năm nay, dự kiến sẽ có tổng số hơn 60 sinh viên Học viện được cử đi nước ngoài tham gia các chương trình trao đổi sinh viên tại Australia, Italia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức…
Trao đổi với phóng viên VietNamNet bên lề vòng chung kết và lễ trao giải cuộc thi P-Innovation 2024 mới đây, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quang Anh, Phó Giám đốc Học viện cho hay, việc tích cực triển khai các chương trình thực tập, trao đổi sinh viên quốc tế nằm trong chuỗi hoạt động hướng tới mục tiêu quốc tế hóa giáo dục.
“Qua các chương trình thực tập, trao đổi sinh viên quốc tế, Học viện mong muốn sẽ giúp sinh viên nâng cao mức độ sẵn sàng tham gia thị trường lao động toàn cầu và hướng tới kiến tạo những giá trị công dân toàn cầu cho sinh viên ngay từ khi ngồi trên ghế giảng đường đại học. Từ đó, tăng năng lực toàn cầu cho nguồn nhân lực số quốc gia”, Phó Giáo sư Trần Quang Anh chia sẻ.
Nguồn: Tăng năng lực toàn cầu cho nhân lực số qua trao đổi sinh viên quốc tế (vietnamnet.vn)