“Giải oan” cho ngành game: Vừa làm vừa chơi, lương hấp dẫn
Thông tin trên vừa được đưa ra tại “Ngày hội tuyển dụng và cơ hội việc làm 2024″, tổ chức ngày 4/5 tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Hà Nội.
Thị trường doanh thu màu mỡ
Tại đây, ông Trương Ngọc Cường, Giám đốc điều hành Công ty IKame Việt Nam nhắc lại “huyền thoại” Nguyễn Hà Đông, cha đẻ của trò chơi Flappy Bird. Đây là trò chơi trên điện thoại di động do người Việt viết và ra mắt năm 2014, sau đó nhanh chóng trở thành cơn sốt “càn quét” trên toàn cầu.
Nhiều người ví von hiện tượng Flappy Bird giống như Gangnam Style của Hàn Quốc vì sự bùng nổ và lan tỏa của nó. Có khoảng 200.000 video nói về trò chơi này trên YouTube và hàng triệu lượt tìm kiếm.
Theo ông Cường, sở dĩ nhắc lại “huyền thoại” Nguyễn Hà Đông để thấy chúng ta đã từng có những người rất thành công trong việc viết game.
Cùng với đó, ông Cường đưa ra thông tin doanh thu hấp dẫn của ngành game năm 2022 là 184 tỷ USD và năm 2023 đạt 396 tỷ USD. Trong khi đó, doanh thu ngành âm nhạc năm 2022 là 26 tỷ USD, năm 2023 28 tỷ USD; ngành phim ảnh năm 2022 doanh thu 26 tỷ USD và 28 tỷ USD năm 2023.
Cũng theo ông Cường, ngành lập trình hoặc thiết kế game hiện có tiềm năng rất lớn và đang tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay cũng như những năm tiếp theo.
Thống kê mới nhất từ trang Salary Expert, mức lương trung bình cho vị trí lập trình trò chơi (game developer) khoảng 187 triệu đồng/năm, tương đương khoảng 90.000 đồng/giờ. Mức lương trung bình cho vị trí thiết kế trò chơi (game designer) khoảng 430 triệu đồng/năm, tương đương 206.000 đồng/giờ.
Riêng với người lập trình trò chơi thành thạo, mức lương dao động 1.000-3.000 USD. Ngoài ra, game là lĩnh vực đặc thù, người thiết kế hoàn toàn có thể tự khởi nghiệp với game riêng của mình, mức thu nhập tùy thuộc vào sự thành công của game.
Theo Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, với khoảng 200 doanh nghiệp sản xuất game hiện nay tại Việt Nam, nhu cầu tuyển dụng cho công việc này có thể lên đến hàng nghìn nhân sự.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Đào Việt Bách, Trưởng Phòng Tuyển dụng và Thu hút nhân tài, Học viện FPT Sofware, cũng thừa nhận ngành game hiện có tiềm năng rất lớn.
“Khoảng một năm trở lại đây, các công ty game tại Việt Nam tham gia tuyển dụng mạnh mẽ. Đối với FPT, mặc dù không phải đơn vị sản xuất nhưng chúng tôi có nhiều vị trí việc làm liên quan đến ngành này như: Các ứng dụng cho giáo dục, một số ứng dụng cho ngân hàng hoặc giải trí trên ô tô.
Cùng với việc chuyển đổi số hiện nay, tôi cho rằng, đây là ngành học tiềm năng, có cơ hội công việc tốt, nhu cầu thị trường game rất lớn và thị trường doanh thu màu mỡ. Nếu sinh viên học ngành này khi ra trường sẽ có rất nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, có cơ hội phát triển”, ông Bách cho hay.
Cũng dưới góc nhìn này, bà Vân Anh, Công ty Cổ phần Công nghệ Amela Việt Nam, cho rằng ngành game đang có nhu cầu nhân sự rất lớn, nhiều công ty về game đang nổi lên thu hút nhân sự. Tùy từng vị trí nhưng mức lương của ngành này dao động từ 12 triệu đồng trở lên.
Trước câu hỏi của em Vũ Văn Mười, sinh viên năm 4 ngành điện tử của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông về mức lương của ngành game, ông Cường cho rằng, mỗi vị trí sẽ có mức lương khác nhau nhưng có thể tự tin nói rằng, mức lương ngành này không hề kém cạnh so với các ngành hot khác, đồng thời, các em sẽ có các giá trị khác ngoài lương nếu nhiều dự án thành công.
“Giải oan” cho ngành thiết kế game
Game là ngành đào tạo không mới ở các nước trên thế giới. Tại Philippines, Singapore, Anh, Mỹ, Úc, Thụy Sĩ,… ngành lập trình game đặc biệt là thiết kế video game hay ngành thiết kế game đã được đào tạo từ rất lâu đời.
Tại Việt Nam, một số trường đại học lớn, nhỏ đã có đào tạo liên quan đến mảng game nhưng chưa có chương trình chuyên sâu về ngành này.
Thống kê từ Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, mức lương của một thiết kế trò chơi khá cao, khoảng 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Nếu là có kinh nghiệm, mức lương có thể đạt 23 triệu đồng đến 35 triệu đồng.
Bên cạnh lương chính, nhân sự ngành này có thể nhận dự án ngoài để tăng thu nhập. Thời gian làm việc của người thiết kế game linh hoạt, có thể sắp xếp công việc miễn là bàn giao sản phẩm đúng hạn, đảm bảo chất lượng.
Theo ông Bách, vài năm trở lại đây, nhân lực ngành CNTT đang “thanh lọc” thị trường, không còn tăng trưởng “nóng”. “Nói như vậy không có nghĩa ngành này đã hết hot bởi trong đó có những ngành có tương lai rất hấp dẫn.
Chẳng hạn ở FPT, mỗi năm chúng tôi tuyển khoảng vài trăm nhân sự làm các việc liên quan đến lĩnh vực game trong giáo dục hoặc các sản phẩm giải trí trên ô tô”, ông Bách cho hay.
Trước thông tin nhiều phụ huynh lo ngại con em sẽ “hư” nếu theo học ngành game, đại diện Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông “giải oan” cho ngành này khi khẳng định, đào tạo game không có nghĩa dạy chơi. Đây là một nghề đào tạo nên những người làm game chuyên nghiệp để có thu nhập cao.
Cùng với đó, sinh viên sẽ được trang bị nhiều kiến thức về pháp luật ngành game, để biết mình phải làm gì, không nên, không được làm gì.
Với câu hỏi này, bà Vân Anh cho rằng, nếu em nào nghiêm túc, vẫn có thể thành công. Thậm chí ngay cả việc chơi game cũng đang ngày càng được công nhận bởi hiện có nhiều đội chơi chuyên nghiệp tham gia dự thi với số tiền thưởng cao.
“Ngày hội tuyển dụng và cơ hội việc làm 2024” của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông dự kiến thu hút hơn 3.500 sinh viên năm cuối, năm thứ 2 và thứ 3 thuộc tất cả các ngành đào tạo CNTT, An toàn thông tin, Điện tử Truyền thông, Kỹ thuật Điện – Điện tử, Công nghệ Đa phương tiện, Quản trị kinh doanh, Marketing, Kế toán của Học viện.
Tại đây, sinh viên có cơ hội tham gia ứng tuyển, phỏng vấn tuyển dụng trực tiếp vào các vị trí việc làm và thực tập.
Nguồn: “Giải oan” cho ngành game: Vừa làm vừa chơi, lương hấp dẫn | Báo Dân trí (dantri.com.vn)